Giảo cổ lam được ví như nhân sâm của người Việt nên đây là loại thảo dược hết sức quý giá. Nó được ứng dụng rất nhiều trong y học cổ truyền giúp hỗ trợ và điều trị rất nhiều bệnh. Vậy, bạn đã biết gì về thảo dược này và những tác dụng quý của chúng chưa? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Tìm hiểu chung về giảo cổ lam
Tên dược liệu: Giảo cổ lam
Tên gọi khác: cây trường thọ, cây trường sinh hay thảo trường sinh (Trung Quốc), cỏ thần kỳ, ngũ diệp sâm, phúc ẩm thảo (Nhật Bản), cổ yếm, sâm 5 lá, thư tràng 5 lá, thất diệp đảm, dây lõa hùng, dền toòng.
Danh pháp khoa học: Gynostemma Pentaphyllum
Họ: Bầu bí – Cucurbitaceae
Giảo cổ lam là cây gì?
Vào thế kỷ XVII ở Trung Quốc, giảo cổ lam được sử dụng trong cung đình cho các bậc vua chúa, đế vương và cung tần để làm đẹp và kéo dài tuổi thọ. Do vậy, dược liệu này còn được gọi là cây trường sinh hay thảo trường sinh.
Năm 1976 ở Nhật Bản, khi nghiên cứu tuổi thọ trung bình của một bộ lạc là 98, các nhà khoa học đã phát hiện người dân nơi đây đều dùng trà giảo cổ lam hàng ngày. Do đó, chúng được gọi là phúc ẩm thảo.
Còn ở Việt Nam, giảo cổ lam mới được GS Phạm Thanh Kỳ cùng các cộng sự phát hiện vào năm 1997 tại đỉnh núi Fansipan, Lào Cai.
Hình ảnh cây giảo cổ lam
Giảo cổ lam thuộc cây thân thảo, dễ gãy, phát triển bằng cách mọc leo nhờ các tua cuốn đơn tại nách lá. Cây đơn tính, có cây đực và cây cái khác biệt.
Lá giảo cổ lam có hình dạng giống chân vịt, lá kép, màu xanh thẫm.
Hoa màu trắng mọc thành cụm. Khi nở, cánh hoa xòe ra tạo thành hình ngôi sao.
Quả hình cầu, đường kính khoảng 5-10mm. Khi chín chuyển sang màu đen.
Bộ phận dùng và thành phần
Chủ yếu là lá cây. Saponin và Flavonoid là 2 thành phần chính có trong giảo cổ lam. Bên cạnh đó, dược liệu này còn chứa một lượng lớn các vitamin và khoáng chất như Mn, P, Fe, Zn,…cùng các acid amin tốt cho sức khỏe.
Phân loại
Dựa vào đặc điểm hình dáng của giảo cổ lam, các nhà khoa học đã chia dược liệu này thành 3 loại. Mỗi loại có những đặc điểm, hiệu quả khác nhau:
Giảo cổ lam 3 lá: Cây có 3 lá, dây lớn nhất trong 3 loại. Cây tươi khi nhấm có vị ngọt không đắng khi phơi khô hay pha trà đều không có mùi thơm, trà nhạt. Giảo cổ lam 3 lá không có nhiều công dụng trong việc điều trị bệnh nên không được ứng dụng nhiều trong y học cổ truyền và y học hiện đại.
Giảo cổ lam 5 lá: còn được gọi là Ngũ diệp sâm (sâm 5 lá). Cây tươi khi nhấm có vị đắng, dây leo nhỏ. Cây có mùi thơm đặc trưng, đặc biệt là khi pha trà thoang thoảng mùi sâm. Ngũ diệp sâm rất tốt cho sức khỏe và được sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh.
Giảo cổ lam 7 lá: khi nhấm cây tươi có vị đắng. Khi phơi hay pha trà đều không có mùi thơm, trà có vị đắng khó uống. Cây 7 lá không có nhiều ứng dụng trong cuộc sống.
Thu hái và chế biến
Khi thu hoạch, người dân sẽ tiến hành cắt toàn bộ cây thuốc, cách phần gốc khoảng 40cm. Dược liệu được đem đi rửa sạch đất cát, bụi bẩn, tạp chất. Tùy vào nhu cầu sử dụng và chất lượng của lá mà người dân sẽ cách chế biến khác nhau.
Giảo cổ lam có thể dùng tươi hay dùng khô đều được hay có thể sao vàng để dược liệu dậy mùi thơm cũng như bảo quản được lâu hơn. Sau khi chế biến, cây thuốc được đóng cẩn thận vào túi kín, để vị trí khô ráo thoáng mát, tránh ẩm ướt và mối mọt. Bên cạnh đó, nhiều nơi có thể bào chế thành rượu, trà giảo cổ lam hay được sử dụng làm nguyên liệu trong các thực phẩm chức năng hay các loại thuốc Tây.
Dược liệu giảo cổ lam
1. Tính vị, quy kinh
Theo y học cổ truyền, giảo cổ lam có tính hàn. Khi mới nhấm dược liệu sẽ cảm thấy có vị đắng, nhưng sau đó có vị ngọt (tiền khổ hậu cam cam).
Quy kinh: dược liệu quy vào can, phế.
2. Công năng
Dược liệu có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu u, tiêu viêm, chống phù nề, ích khí kiện tỳ.
Giảo cổ lam có tác dụng gì?
Nếu như bạn đang đi tìm 1 vị thuốc từ tự nhiên, thứ “thuốc tiên” có thể giúp bạn đẩy lùi bệnh tật, bồi bổ sức khỏe, làm chậm lão hóa và kéo dài tuổi thọ thì giảo cổ lam chính là sự lựa chọn đúng đắn. Trong sách cổ “Nông chính toàn thư hạch chú”, quyển Hạ năm 1694 và trong cuốn “Từ điển cây thuốc Việt Nam” giảo cổ lam được ghi nhận có những công dụng sau:
3 chống: chống mệt mỏi, chống lão hóa, chống u
3 giảm: giảm căng thẳng, giảm béo, giảm nám sạm da
5 tốt: ăn ngủ tốt, tiêu hóa tốt, da dẻ tốt, sức khỏe tốt và giúp tỉnh táo.
Cùng tìm hiểu kỹ hơn về tác dụng của giảo cổ lam ngay dưới đây nhé.
1. Công dụng của giảo cổ lam theo Đông y
Giảo cổ lam có tác dụng lên nhiều tạng của cơ thể như can, phế, tỳ,…
Tác dụng lên tạng tỳ: giúp thanh nhiệt giải độc, ích khí kiện tỳ, chỉ khái hóa đàm, dưỡng tâm an thần.
Tác dụng lên tạng phế: chữa phế nhiệt đàm khái (ho khạc ra đờm do phế nhiệt), khí hư âm thương (phần âm, phần khí bị tổn thương), khí suyễn, tâm quý thất nhãn (tim loạn nhịp, mất ngủ).
Tác dụng lên tạng can: giải độc, giảm nguy cơ xơ gan, ung thư gan.
2. Công dụng của giảo cổ lam theo Tây y
Hiện nay, giảo cổ lam cũng đã được y học hiện đại chứng minh đem lại rất nhiều công dụng đối với sức khỏe.
Giảm nồng độ cholesterol máu
Do có chứa hơn 100 loại saponin nên giảo cổ lam được sử dụng hiệu quả trong việc giảm mỡ máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Theo tài liệu nghiên cứu khoa học tại 1 số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản ghi nhận thường xuyên dùng trà giảo cổ lam giúp giảm triglycerid, giảm lượng cholesterol toàn phần, giảm LDL (cholesterol xấu), tăng HDL (cholesterol tốt) tăng từ 63% lên 97%.
Ở Việt Nam vào năm 1999, theo nghiên cứu của GS. Phạm Thanh Kỳ, mức cholesterol toàn phần ở người dùng giảo cổ lam trong 30 ngày so với người không dùng sẽ giảm tới 71%. Nhờ vậy, dược liệu này có tác dụng ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng sự lưu thông máu lên não.
Bên cạnh đó, GS Trần Văn Sung cũng đã phát hiện hợp chất adenosine trong giảo cổ lam 5 lá có tác dụng bảo vệ tim, giảm cơn đau tim và tăng khả năng chịu đựng của cơ tim.
Hỗ trợ điều trị hạ huyết áp
Giảo cổ lam có tác dụng ổn định huyết áp. Đây là tác dụng được chứng minh bởi Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ) khi nghiên cứu tác dụng của vị dược liệu này trên bệnh nhân huyết áp. Giảo cổ lam kích thích cơ thể sản sinh oxit nitric – chất có vai trò tích cực kiểm soát huyết áp. Để làm rõ hơn tác dụng này, các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên 223 bệnh nhân cao huyết áp được thực hiện chia thành 3 nhóm và thu được kết quả như sau:
Nhóm 1 dùng giảo cổ lam, kết quả giảm chỉ số huyết áp 82%.
Nhóm 2 dùng nhân sâm, kết quả chỉ số huyết áp giảm 41%.
Nhóm 3 dùng thuốc indapamide làm chỉ số huyết áp giảm 93%.
Do vậy có thể khẳng định giảo cổ lam có tác dụng rõ rệt trên bệnh nhân huyết áp cao.
Ổn định chỉ số đường huyết
Vào năm 2004, các nhà khoa học của Viện Karolinska Thuỵ Điển kết hợp cùng Viện dược liệu TW đã phát hiện hoạt chất Phanosid (theo tên nhà khoa học Đào Văn Phan). Phanosid cùng với saponin kích thích tuyến tụy tiết insulin, tăng tiêu thụ glucose giúp ổn định đường huyết. Tác dụng này chỉ có tác dụng đối với người huyết áp cao, còn người huyết áp thấp hay người bình thường thì lại không có tác dụng.
Năm 2011, thử nghiệm lâm sàng được tiến hành trên bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 (chỉ số tiểu đường cao từ 9 – 14 mmol/l) khi sử dụng giảo cổ lam trong 12 tuần với liều lượng 6g/ngày. Kết quả là mức tiểu đường của các bệnh nhân đều giảm xuống 3 mmol/l so với nhóm không dùng. Dựa vào kết quả của nghiên cứu này, các nhà khoa học khuyên bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 nên dùng trà giảo cổ lam hàng ngày để hạ đường huyết và kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
Bảo vệ gan
Giảo cổ lam được chứng minh có rất nhiều tác dụng tốt với gan. Dược liệu này có tác dụng mát giải độc gan, ngăn ngừa sự tấn công của vi khuẩn gây bệnh, bảo vệ gan, giảm tổn thương lên gan và các triệu chứng xơ gan.
Tác dụng này được chứng minh bằng thí nghiệm trên chuột, các chuyên gia carbon tetrachloride 10% để gây xơ gan. Tiếp đó, họ cho chuột dùng giảo cổ lam liên tục 3 tuần. Kết quả thu được là các dấu hiệu tổn thương gan trên chuột được giảm đi đáng kể.
Hơn nữa, flavonoid có trong giảo cổ lam có khả năng chống viêm khá mạnh nên có tác dụng bảo vệ gan, hạ cholesterol, lợi mật,…nên được sử dụng trong bệnh viêm gan virus, viêm túi mật, viêm gan do rượu hay chức năng gan bị suy giảm.
Tham khảo thêm: hoa tam thất bảo vệ gan thế nào
Tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch
Ngoài tác dụng tốt đối với gan giảo cổ lam còn giúp tăng cường sức đề kháng và nâng cao hệ miễn dịch do có chứa hoạt chất flavonoid, acid amin, vitamin giúp chống oxy hóa mạnh, ngăn cản sự tấn công của các gốc tự do trong cơ thể. Hơn nữa, dược liệu này còn có tác dụng sát khuẩn, giúp phòng ngừa sự xâm nhập của các yếu tố gây bệnh từ môi trường bên ngoài.
Với những tác dụng này, sử dụng giảo cổ lam hàng ngày sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng và chống bệnh tật hiệu quả.
Bên cạnh đó, giảo cổ lam còn được biết đến với tác dụng:
Giảm căng thẳng, mệt mỏi, stress.
Ngăn ngừa lão hóa, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Bảo vệ tế bào thần kinh, hỗ trợ điều trị bệnh Parkinson.
Giảm cân, duy trì cân nặng.
Tham khảo thêm: 10 loại Trà thảo dược tốt cho người cao tuổi
Bài thuốc quý từ giảo cổ lam
Với những công dụng tuyệt vời trên, giảo cổ lam được ứng dụng trong rất nhiều bài thuốc.
1. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường từ giảo cổ lam
Chuẩn bị nguyên liệu:
Giảo cổ lam 40 gam
Cỏ ngọt 20 gam
Nước
Cách thực hiện:
Cỏ ngọt và giảo cổ lam phơi khô.
Cho nguyên liệu vào ấm hãm, thêm nước vừa đủ và hãm trà uống như bình thường.
Chú ý: không sắc 2 vị thuốc trên vì sẽ làm giảm mùi vị và hoạt tính của dược liệu.
2. Bài thuốc từ giảo cổ lam giúp mát gan, giải độc
Chuẩn bị nguyên liệu:
Giảo cổ lam 30 gam
Cây xạ đen 30 gam
Cà gai leo 20 gam
Cách thực hiện:
Các nguyên liệu được cho vào bình giữ nhiệt.
Thêm 1,5 lít nước vào bình.
Đậy kín bình khoảng 15 – 20 phút là có thể sử dụng được ngay.
Bên cạnh đó, bạn có thể sắc các vị thuốc cùng 1,5 lít nước sôi trong khoảng 20 phút. Sắc đến khi còn 2/3 lượng nước trong nồi thì dừng lại. Chia hỗn hợp này thành 3 phần và sử dụng trong ngày, dùng trước khi ăn.
3. Bài thuốc hỗ trợ bệnh tiểu đường, mỡ máu
Chuẩn bị:
Giảo cổ lam 25 gam
Dây thìa canh 25 gam
Cách thực hiện:
Cho dược liệu vào trong ấm cùng 1 lít nước.
Đun sôi nhỏ lửa đến khi còn khoảng 800ml nước thì tắt nếp.
Chia thành 3 lần uống và dùng trước bữa ăn khoảng 15 phút.